Để có thể tìm được một công việc lập trình viên tại công ty bạn mong muốn, cùng với một mức lương lý tưởng thì đầu tiên bạn cần có được một chiếc CV chuyên nghiệp. Do đó, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách viết CV lập trình viên như thế nào cho đúng chuẩn, dành cho cả vị trí full time và thực tập sinh part time.
I. Khái quát chung về CV lập trình viên
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu CV là gì. CV là viết tắt của “Curriculum Vitae“. CV thường được dịch là sơ yếu lý lịch, nhưng bản chất CV là bản tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng liên quan tới công việc mà ứng viên muốn ứng tuyển, để lại ấn tượng ban đầu cho nhà tuyển dụng về ứng viên mà họ đang xét duyệt. Về bản chất thì CV không phải là tờ khai lý lịch tự thuật.
Vậy, có thể hiểu CV lập trình viên là CV do các ứng viên là lập trình viên (mảng IT) tạo nên, nhằm mục đích cung cấp thông tin về bản thân cho các nhà tuyển dụng, và đây cũng có thể nói là bước tạo ấn tượng đầu cho phòng ban tuyển dụng, quyết định bạn có thể đi tiếp vào các vòng phỏng vấn tiếp theo hay không. Do đó, đừng ngần ngại bỏ thời gian để chăm chuốt của CV của mình nhé!
II. Cách viết CV xin việc lập trình viên
1. Giới thiệu thông tin cá nhân
Tuy khá đơn giản, nhưng có thể nói đây là phần cốt lõi nhất của một CV. Cụ thể, trong một CV hoàn chỉnh trong mắt nhà tuyển dụng sẽ cần có các thông tin như sau.
– Thứ nhất là Họ và tên của bạn. Nếu như bạn đang ứng tuyển vào các công ty, doanh nghiệp nước ngoài thì có thể cân nhắc đính kèm thêm tên ngoại quốc của mình, chẳng hạn như Nguyễn Văn Toàn (Michael).
– Thứ hai là thông tin về vị trí mà bạn ứng tuyển, chẳng hạn như lập trình viên Web, lập trình viên ứng dụng Android, lập trình viên PHP,… sao cho đúng với miêu tả công việc đến từ công ty.
– Thứ ba là các thông tin khác về bản thân, bao gồm ngày tháng năm sinh, địa chỉ, quê quán, địa chỉ email, số điện thoại. Trong trường hợp các nhà tuyển dụng yêu cầu, bạn có thể chèn thêm các thông tin về các mạng xã hội có liên quan đến ngành nghề, chẳng hạn như GitHub hay là Linkedln.
– Thứ tư là hình ảnh đại diện, hay một cách phổ thông thì được gọi là ảnh thẻ. Việc lựa chọn hình đại diện theo sắc thái vui tươi hay nghiêm túc sẽ còn tùy thuộc vào văn hoá công ty mà bạn dự tính ứng tuyển. Do đó, bạn nên tìm hiểu hoặc hỏi thăm trước để lựa chọn hình phù hợp nhé!
– Thứ năm là phần giới thiệu nhanh về bản thân, và khi viết về nội dung này, bạn hãy để câu từ càng ngắn gọn, xúc tích thì càng tốt. Một mẹo khi viết về phần này là bạn chỉ cần khoảng từ 2 – 3 câu, và nội dung cần phải thể hiện được khả năng và mục tiêu của bạn khi ứng tuyển vào vị trí của doanh nghiệp.
2. Xác định mục tiêu nghề nghiệp
Một CV tốt trong mắt doanh nghiệp là một CV có chứa được mục tiêu nghề nghiệp IT của ứng viên trong đó. Cụ thể, bạn cần xác định việc bạn có được vị trí này cho tương lai sẽ cung cấp được lợi ích gì cho công ty, đồng thời từ phía bản thân bạn, bạn mong muốn học hỏi được điều gì trong khoảng thời gian làm việc này. Đây là thước đo giúp cho công ty xác định được bạn có những tố chất phù hợp với vị trí này hay là có thể đồng hành lâu dài với công ty được hay không.
Lưu ý, mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đặt ra nên là một mục tiêu dài hạn, không quá xa rời thực tế. Tất nhiên là phải được trình bày một cách gọn gàng, khoa học để phía tuyển dụng có thể hiểu được đâu là giá trị mà họ sẽ nhận được khi lựa chọn bạn vào vị trí cụ thể.
3. Tóm tắt trình độ học vấn
Ở mục trình độ học vấn của bản thân, một số thông tin bạn cần bổ sung vào là tên trường đại học mà bạn từng theo học, chuyên ngành cũng như là xếp loại. Trong trường hợp bạn vẫn đang còn là sinh viên, bạn hãy ghi xếp loại của bạn tính đến thời điểm hiện tại. Ví dụ, thông tin bạn sẽ điền vào CV lập trình viên là:
– Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh (09/2018 – 09/2022)
– Chuyên ngành: Công nghệ Thông tin
– Xếp loại: Giỏi. GPA: 3.5
Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng nếu như phần xếp hạng của bạn không được tốt, hay bạn không phải là một người xuất thân từ ngành Công nghệ Thông tin. Bạn có thể chứng minh khả năng của mình bằng những chứng chỉ IT cần thiết để bù đắp cho những khiếm khuyết này.
4. Mô tả kinh nghiệm làm việc
Kinh nghiệm làm việc là một tiêu chí được nhiều công ty xem xét, bởi chúng sẽ giúp họ chọn được người có năng lực, tiết kiệm được công sức và thời gian để đào tạo. Do đó, đây là dịp để bạn cho các nhà tuyển dụng thấy mình có kinh nghiệm và đủ năng lực để đảm đương công việc này.
Tuy nhiên, nếu như bạn là sinh viên mới ra trường, và chưa có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lập trình, bạn có thể đưa thông tin về các dự án, cuộc thi hay hoạt động của trường, lớp mà bạn đã từng tham gia, ngoài thể hiện bạn từng tiếp xúc với lĩnh vực này ở thực tế, còn chứng minh được bạn là một người hăng hái, chịu khó học hỏi.
5. Liệt kê một vài kỹ năng mềm
Kỹ năng mềm là danh sách các kỹ năng thu thập được trong quá trình làm việc, tham gia các hoạt động ngoại khóa hay làm việc nhóm trong trường học, và nó không đóng khuôn trong lĩnh vực IT. Một số kỹ năng bạn có thể cân nhắc đưa vào trong CV của mình đó là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy phản biện hay là kỹ năng quản lý thời gian.
Tuy nhiên, bạn nên chọn lọc đâu là những kỹ năng mềm mà bạn nghĩ là cần thiết cho công việc mà bạn dự định ứng tuyển. Tránh trường hợp liệt kê một loạt các kỹ năng, nhưng không có trọng tâm.
6. Liệt kê các chứng chỉ IT cần thiết
Tùy vào vị trí mà bạn ứng tuyển là gì thì bạn nên trang bị thêm một số chứng chỉ lập trình có liên quan, ví dụ như chứng chỉ lập trình web hay chứng chỉ lập trình Python. Bạn có thể tích luỹ được các chứng chỉ này thông qua việc học tại các trung tâm uy tín, hoặc ở các trang học trực tuyến.
Ngoài những chứng chỉ IT cần thiết ra, bạn có thể bổ sung thêm các chứng chỉ liên quan đến đến các kỹ năng mềm, chẳng hạn như chứng chỉ Project Management Professionals.
7. Tóm tắt những dự án đã tham gia
Đối với danh mục các dự án bạn đã từng tham gia, bạn cần ghi rõ tên của dự án, thời gian thực hiện cũng như là đơn vị tổ chức dự án trong CV của mình. Ngoài các thông tin cơ bản ở trên, bạn cần tóm tắt những nội dung chính mà bạn đã thực hiện xuyên suốt dự án đó, từ đó giúp doanh nghiệp xác định được bạn đã có kinh nghiệm làm việc gì thông qua những nội dung này.
8. Giới thiệu sơ qua sở thích, tính cách
Nhiều người thường bỏ qua hoặc không chú ý nhiều khi viết CV cho riêng mình. Tuy nhiên, nếu biết khôn khéo tận dụng phần giới thiệu sở thích và tính cách của bản thân sẽ giúp nhà tuyển dụng có được góc nhìn tổng quan hơn về bạn. Từ đó xem xét liệu bạn có phù hợp với văn hoá làm việc của công ty hay không.
9. Để lại thông tin người tham chiếu
Trong trường hợp bạn có người tham chiếu, cụ thể là cấp trên ở công ty cũ, hay là giáo viên hướng dẫn bạn ở trường thì bạn có thể liên hệ với họ và xin phép đưa thông tin vào mục tham chiếu. Bao gồm thông tin về họ và tên, số điện thoại và chức danh đầy đủ, để khi cần thì bên phía nhà tuyển dụng có thể liên hệ với người tham chiếu của bạn. Việc đính kèm thông tin của người tham chiếu vào trong CV sẽ giúp tăng độ tin cậy cho các thông tin mà bạn vừa đề cập ở trên.
III. Những lưu ý khi thiết kế CV lập trình viên
– Đọc kỹ bản mô tả công việc: Trên các trang tuyển dụng thì doanh nghiệp sẽ luôn có các thông tin miêu tả chi tiết công việc (Job Description), bao gồm các phân mục như mô tả chung, chi tiết công việc cần làm và yêu cầu cho công việc. Bạn cần đọc kỹ bản mô tả này để có thể có một góc nhìn tổng quát nhất công ty đang mong muốn gì ở ứng viên, từ đó để chắt lọc các thông tin phù hợp để đưa vào CV của mình.
– Xác định những thông tin quan trọng: Cần xác định đâu là những thông tin quan trọng, hay đâu là những keyword cần phải đính kèm ở trong CV của mình. Các nhà tuyển dụng sẽ không có quá nhiều thời gian để xem xét hết tất cả thông tin có trong CV của bạn. Do đó, CV của bạn cần có những từ khoá chính để giúp giữ mắt nhà tuyển dụng lại để đọc CV của bạn, từ đó tăng cơ hội đi vào vòng phỏng vấn của bạn.
– Tập trung cho mục chứng chỉ và kỹ năng nghề nghiệp: Chứng chỉ và kỹ năng nghề nghiệp sẽ là các yếu tố được các doanh nghiệp chú trọng, do đó hãy để chúng ở những vị trí dễ nhìn, bắt mắt trên CV của bạn. Tùy vào đặc thù của từng nhóm công việc mà công ty sẽ yêu cầu các chứng chỉ lập trình với các ngôn ngữ là khác nhau, do đó, hãy lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với vị trí mà bạn dự tính ứng tuyển để đăng ký.
– Tránh viết dài dòng, lan man, thiếu tập trung: Đây là một điểm bạn cần lưu ý khi viết CV bởi một CV quá dài sẽ thường được các nhà tuyển dụng bỏ qua. Tuy nhiên, nếu như CV dài do những mục như chứng chỉ và kỹ năng nghề nghiệp thì bạn có thể bỏ qua vấn đề này, tuy nhiên, cũng chỉ nên giữ CV dài khoảng 2 trang là tối đa.
– Trung thực khi cung cấp thông tin, minh chứng: Việc đưa các thông tin không đúng sự thật là điều tối kỵ khi chuẩn bị CV. Bởi nếu như bạn không có các kỹ năng như là các thông tin đã đề cập trong CV, sau khoảng thời gian ngắn làm việc thì bạn cũng sẽ tức khắc bị đào thải.
– Chú ý đến hình thức, bố cục CV lập trình viên: Đây là một điểm bạn cũng cần chú ý khi thực hiện thiết kế CV lập trình viên của mình. Lưu ý chú ý đến vị trí của các thông tin có trong CV của mình. Những thông tin cơ bản về bản thân như họ và tên, địa chỉ email,… cần được đặt ở một vị trí cách biệt so với các thông tin còn lại, hay là những thông tin về kinh nghiệm làm việc hay chứng chỉ cũng cần được đưa lên đầu để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng ngay lập tức.
– Kết hợp màu sắc hài hòa, bắt mắt khi thiết kế CV: Đây là một lỗi mà nhiều người mắc phải, đó là không chăm chuốt thiết kế cho CV của mình, hay là sử dụng màu sắc quá tay. Tượng tự với việc chọn ảnh đại diện, màu sắc của CV cần phải dựa trên văn hoá công ty mà bạn chuẩn bị ứng tuyển. Một CV đẹp là CV có thiết kế bắt mắt, và tôn lên được nội dung có bên trong CV.
– Kiểm tra lần cuối trước khi gửi cho nhà tuyển dụng: Đối với bất kỳ công việc nào thì đây cũng là một bước bạn cần thực hiện trước khi gửi cho nhà tuyển dụng. Trong trường hợp bạn gửi thông qua email thì bạn cũng nên kiểm tra thêm các thông tin tin nhắn đính kèm trong email của bạn sao cho thật chỉn chu nhé!
(Nguồn: thegioididong)